Chất lượng của các không gian công cộng (KGCC) hiện nay quyết định một phần không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của mọi người dân trong thành phố; vì những không gian này là một trong các thành phần chức năng thiết yếu, quan trọng để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng và tương tác xã hội.
Tuy nhiên, so với những thành phần chức năng khác, trong lĩnh vực quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị thì KGCC chưa được nghiên cứu, mổ sẻ thấu đáo, và cũng chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các hướng dẫn về phương pháp làm cơ sở cho công tác quy hoạch, thiết kế thực tiễn. Có lẽ (một phần) từ những nguyên nhân trên, mà các KGCC nói chung và không gian vui chơi giải trí trong các khu dân cư nói riêng ở các đô thị nước ta hiện đang thiếu thốn trầm trọng. Số lượng còn thiếu thốn như vậy thì khoan hãy bàn đến chất lượng của các KGCC. Các vườn hoa, sân chơi, nếu có, chỉ là những khoảng trống với vài khuôn cỏ trồng cây sơ sài, với vài chiếu ghế đã đúc sẵn gẫy chân hoặc mất chỗ tựa, hết sức nhạt nhẽo buồn tẻ thiếu sức sống. Công tác quản lý những KGCC này cũng còn nhiều khó khăn và tồn tại, rất cần một hành động thiết thực và cụ thể trong công tác quy hoạch và quản lý KGCC từ lý luận đến công tác triển khai thực hiện.
Hồ Hoàng Cầu, Hà Nội
KGCC – tiếp cận từ góc độ chính trị – xã hội
Bản thân KGCC là một khái niệm phức tạp, đa chiều và không có một định nghĩa chung, phổ quát toàn cầu về nó. ‘KGCC’ được tạo ra, được sử dụng, được gán nghĩa, được quản lý, và được tái sinh do các nhu cầu chính trị – kinh tế – xã hội của các thể chế xã hội khác nhau, ở các không gian và tại thời gian khác nhau, bị chi phối bởi các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau.
Nguồn gốc của KGCC, theo cách nhìn của phương Tây, liên quan đến khái niệm ‘quyền tiếp cận và loại trừ tới các không gian đó. Trong các mô hình xã hội dân chủ, nhà nước cần thiết lập những không gian mà ở đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận bất luận địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế, và quyền này được bảo vệ bởi hiến pháp và pháp luật. Đó là những không gian thực sự là của chung, của tất cả mọi người – các KGCC. Agora trong cấu trúc đô thị Hy Lạp cổ đại là ví dụ đầu tiên về loại KGGG này. KGCC vì vậy, có thể coi là một ‘công cụ vật lý’ để nhà nước dân chủ thực hiện trách nhiệm của họ với xã hội và cũng thông qua đó tương tác với xã hội. Đương nhiên, các thể chế xã hội khác nhau, thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau thì các ‘quyền’ tiếp cận đến các KGCC này cũng bị giới hạn và quy định theo cách thức và mức độ khác nhau: ai được vào, vào lúc nào, được phép làm gì trong các không gian đó. Các KGCC vì vậy cũng được thiết kế, gán chức năng, gán nghĩa và quản lý tiếp cận theo cách thức riêng biệt, tương ứng. Quảng trường nơi diễn ra những sự kiện chính trị, xã hội quy mô lớn, với nghi thức chuẩn mực, hoành tráng là ví dụ điển hình của loại KGCC chính thống này. Công viên cũng được xem là một KGCC chính thống để đảm bảo quyền lợi được nghĩ ngơi thư giãn, tiếp cận thiên nhiên các các đối tượng xã hội.
Như vậy, khi tiếp cận khái niệm KGCC từ góc độ thể chế, một cách đơn giản nhất, chúng ta có thể xem KGCC là một đối tượng không gian chính quy, thiết yếu trong cấu trúc không gian đô thị, một dạng ‘cơ sở hạ tầng’ với hai ý nghĩa: cơ sở hạ tầng chính trị và cơ sở hạ tầng xã hội. CSHT chính trị (thực hiện chức năng cũng cố sự vận hành của nhà nước và thể chế, là ‘công cụ không gian’ duy trì mối quan hệ tương tác vật lý giữa nhà nước và xã hội (thông qua các sự kiện chính trị có tổ chức chính thống)) và (hoặc) CSHT xã hội (thực hiện chức năng đảm bảo các ‘quyền tiếp cận cơ bản) đến các dịch vụ đô thị của người dân được pháp luật quy định, và vì vậy thuộc trách nhiệm của nhà nước. Ở khía cạnh thứ hai này, nó tương tự nước sạch, y tế, giáo dục … là những tiện ích thiết yếu cơ bản của đời sống người dân mà nhà nước cần phải chịu trách nhiệm cung ứng.
Việc tạo lập các KGCC chính quy này được thực hiện thông qua công tác quy hoạch chính thống và được đầu tư, bản lý bởi nhà nước. Theo nguyên lý quy hoạch của các nước phương Tây, các KGCC này thường được tổ chức thành hệ thống, có tầng bậc và quy mô, được cung ứng từ cấp độ vùng, đến thành phố, đến khu vực, đến khu dân cư, và cho đến tận các nhóm nhà. Hai hình thức phổ biến nhất của hệ thống KGCC này là các quảng trường (quy mô khác nhau) và các công viên vườn hoa (cũng với quy mô khác nhau). Nguyên lý thiết kế cho các KGCC này cả về hình thái, thẩm mỹ, công năng đã được đúc kết thành những pho tri thức quy hoạch và TKĐT kinh điển, được vận dụng …
Lịch sử và sự hình thành các KGCC ở Việt Nam
Theo dòng lịch sử, các KGCC ở Việt Nam đã được hình thành, quan niệm và gán nghĩa như thế nào?
Thời phong kiến: Vào thời kỳ phong kiến, chính quyền phong kiến quyết định các vấn đề chung và có không gian quyền lực của nó. Cộng đồng như làng xã, phường hội, dòng tộc lại quyết định về những việc nội bộ của một nhóm người nên họ cũng có những không gian có chức năng hỗ trợ thể chế cộng đồng tương ứng. Làng là một mô hình quần cư truyền thống vô cùng đặc sắc của Việt Nam. Làng có thiết chế riêng, có hiệu lực mạnh mẽ vì nó đảm bảo tồn tại và vững mạnh của cả cộng đồng làng; vậy mới có câu “phép vua thua lệ làng”. Trong làng, trong phường hội, họ được quan tâm, giúp đỡ, bảo vệ và có trách nhiệm đối với người khác. Vì thế nhu cầu tỏ ra mình là người cùng hội cùng thuyền, có quan tâm, đóng góp cho cộng đồng là cấp thiết. Vì vậy, những không gian cộng đồng truyền thống như bến nước, cây đa đầu làng, sân đình, cổng làng, chợ làng, đường làng, các đình đền đài, hội quán, nhà thờ tổ v.v. đều được sử dụng rất hiệu quả và thường xuyên. Trong không gian cộng đồng này, mỗi cá thể xuất hiện ít khi dưới danh nghĩa cá nhân, mà dưới danh nghĩa là một bộ phận trong một cỗ máy chung. Họ lấy việc chứng tỏ phục tùng luật lệ chung làm lý do để xuất hiện trong không gian này. Những người ngoài có thể được chấp nhận vào các lễ hội, sự kiện cộng đồng, nhưng họ rõ ràng là khách và phải chấp nhận mọi luật lệ do chủ nhà đề ra. Tiêu chí của những không gian này không phải là việc phát huy tối đa sự tự do thoải mái của từng cá nhân, mà là làm rõ cấu trúc của cái chúng ta, để mọi người phải theo đó mà làm. Vì vậy, cũng có thể coi những không gian này là dạng không gian quyền lực, nhưng là một hệ thống quyền lực khác với hệ thống triều đình, một dạng KGCC chính thống phục vụ thiết chế làng xã. Hay, là một dạng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự tồn tại của cộng đồng trong thể chế phong kiến.
Thời Pháp thuộc: Người pháp lần đầu tiên đã đưa vào Việt Nam nhưng nguyên lý quy hoạch đô thị phương Tây với mạng lưới đường ô cờ vuông vắn, các trục không gian hoành tráng, những quảng trường trước các công trình lớn như phủ toàn quyền, ngân hàng, nhà hát nhằm phô trương quyền lực và sức mạnh vật chất – văn hóa của mình. Ngoài ra, một số công viên, vườn hoa được xây dựng, nhằm biểu dương cuộc sống vương giả của khu phố Pháp hơn là những không gian công cộng thực sự. Cho nên những KGCC này chính là những ‘cơ sở hạ tầng’ phục vụ người Pháp và chính quyền thuộc địa của Pháp mà thôi.
Thời kỳ xây dựng nhà nước XHCN: Bên cạnh những KGCC do người Pháp xây dựng, loại hình KGCC phổ biến nhất ở nước ta thời kỳ này là các quảng trường chính trị ở tất cả các thành phố, thường bố trí trước mặt tòa nhà UBND – HĐND, xung quanh là các công trình phục bộ máy hành chính địa phương như trụ sở các Sở, Ban, Ngành, Tòa án, Bưu điện, Ngân hàng công. Ở Hà Nội, có thể nói quảng trường Ba Đình là KGCC biểu tượng quyền lực của Nhà nước XHCN với sự hiện diện của Lăng Hồ Chủ tịch, Tòa nhà Quốc hội, và các tòa công thự khác. Ở đây Bác Hồ đã đọc bản tuyên ngôn độc lập, và cũng là nơi chỉ dành cho các sự kiện trọng đại, mitting, diễu hành tầm cỡ quốc gia. Trước đây người dân không được phép đi lại vui chơi tự do ở quảng trường Ba Đình và nó đúng nghĩa là một KGCC của chính quyền. Tuy nhiên gần đây và buổi tối người dân đã được phép dạo chơi thư giãn ở đây, mặc dù vẫn chịu sử quản lý theo dõi sát sao của lực lượng canh gác lăng.
Những quảng trường chính trị ở các thành phố khác cũng tương tự, thường được tạo ra phục vụ các sự kiện đại lễ chính thống do chính quyền địa phương tổ chức chứ không phát huy như các không gian phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí tự do của người dân, nên nhìn chung các không gian này thường vắng lặng khô cứng và thiếu sức sống xã hội. Nhiều nơi việc tiếp cận không gian uy nghiêm này bị hạn chế bằng hàng rào ngăn cách.
Thời kỳ này một số các khu dân cư mới đã được quy hoạch và xây dựng theo mô hình “tiểu khu” học từ Liên xô (là mô hình có sự vi chỉnh từ mô hình ‘đơn vị ở’ gốc của Clarence Perry thế kỷ IX). Ở Hà Nội điển hình loại này có các khu Trung Tự, Kim liên, Giảng võ, Thanh Xuân. Với nguyên lý quy hoạch khá rõ rệt, các KGCC, các công trình công cộng như trường học, nhà trẻ, sân chơi, vườn hoa thường được bố trí ở trung tâm khu dân cư hoặc tâm của các nhóm nhà. Mặc dù chất lượng các không gian này còn nhiều điều đáng bàn, nhưng về lượng và sự phân bố thì các sân chơi, vườn hoa này được quy hoạch khá hợp lý và vẫn phát huy cho đến tận bây giờ. Ngoài ra khoảng trống giữa các tòa nhà cũng đã phát huy thành những KGCC đa năng và rất quý đối với đời sống cộng đồng người dân.
Tuy nhiên, ngoài những khu dân cư được quy hoạch này ra thì ở tất cả các khu vực khác, KGCC như một loại cơ sở hạ tầng cũng đã bị bỏ qua; sự thiếu thốn các KGCC này cũng tương tự như sự thiếu thốn các cơ sở hạ tầng khác, như cấp thoát nước, chiếu sáng, thu gom rác thải, rất phổ biến ở các đô thị.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Sau đổi mới nền kinh tế từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, các thế lực thị trường đã xuất hiện và tham gia sâu rộng vào sự phát triển kinh tế – đô thị nói chung và sự nhào nặn nên các KGCC mới nói riêng. Những khu đô thị mới được đầu tư bởi khu vực tư nhân cung ứng nhà ở thương mại ra thị trường đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ từ cuối những năm 1990 cho tới tận bây giờ. Những khu ĐTM điển hình như Định Công, Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân chính, Làng Quốc tế Thăng Long. Đặc điểm chung với những khu ĐTM này là nó đã được quy hoạch và kiến thiết một cách có bài bản và đồng bộ hơn các tiểu khu thuộc giai đoạn trước và hơn các khu dân cư tự hình thành khác trong thành phố, vì vậy ở đây các KGCC cũng đã được bố trí và đầu tư ở một mức độ nhất định và trở thành một phần trong chiến lược thu hút thị trường của các bất động sản này. Với các mô hình mới hơn nữa như Royal City, Times City, khi chức năng ở và chức năng thương mại dịch vụ vui chơi giải trí của toàn thành phố được tích hợp trong những “tiểu thành phố” mang thương hiệu của các tập đoàn thì KGCC ở những nơi này trở thành một dạng không gian bán công (quasi- public space) được quản lý bởi khu vực tư nhân, trực tiếp và gián tiếp phục vụ mục tiêu kinh doanh của tập đoàn.
Khái niệm KGCC trong các cơ sở pháp lý về quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị ở Việt Nam
Xem xét trên góc độ quản lý nhà nước, KGCC chưa được chính thức định nghĩa, đề cập hay quy định cụ thể gì trong hiến pháp, pháp luật nói chung và các quy chuẩn quy phạm kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc nói riêng.
Quy chuẩn Quy hoạch xây dựng 2008 (hiện đang được điều chỉnh sửa đổi).
Chương II, Mục 2.3.1. Các khu chức năng đô thị khái niệm KGCC không được nhắc đến trực tiếp, nhưng có một câu nói về “Các khu vực xây dựng các khu cây xanh công viên, vườn hoa đô thị” là một trong các loại ‘khu chức năng’ trong đô thị. Điều này ám chỉ các KGCC, nhưng thể hiện là các KGCC có tính chất thiên nhiên (cây xanh vườn hoa) hơn là các KGCC mang tính chất xã hội.
Mục 2.4. Quy hoạch các đơn vị ở, trong đó có mục 2.4.1 Yêu cầu đối với quy hoạch các đơn vị ở: có nhắc đến “Quy hoạch các đơn vị ở phải đảm bảo cung cấp nhà ở và các dịch vụ thiết yếu hàng ngày (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cơ sở, văn hoá thông tin, chợ, dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, không gian dạo chơi, thư giãn…) của người dân trong bán kính đi bộ không lớn hơn 500m nhằm khuyến khích sử dụng giao thông công cộng và đi bộ”. Ở đây, KGCC không được nhắc đến trực tiếp mà được nhắc đến gián tiếp bằng cụm từ “không gian dạo chơi, thư giãn”.
Mục 2.4.2. có quy định “Trong các nhóm nhà ở phải bố trí vườn hoa, sân chơi với bán kính phục vụ (tính theo đường tiếp cận thực tế gần nhất) không lớn hơn 300m” và “Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở tối thiểu phải đạt 2m2/người trong đó đất cây xanh nhóm nhà phải đạt tối thiểu 1m2/người”.
Trong mục 2.5 Quy hoạch hệ thống các công trình dịch vụ đô thị, KGCC không có trong danh mục các công trình dịch vụ công cộng (gồm các loại chính là giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa và thương mại). Và do đó cũng không có quy định về định mức diện tích cho KGCC ở các cấp độ.
Tuy nhiên, mục 2.6 về Quy hoạch cây xanh đô thị, có mục 2.6.1 Hệ thống cây xanh đô thị: lại gộp các chức năng quảng trường, công viên, vườn hoa, vườn dạo … vào nhóm “Cây xanh sử dụng công cộng”và sau đó được quy định chỉ tiêu diện tích đầu người cho từng loại đô thị: đô thị đặc biệt trên 7m2/người, đô thị loại V trên 4m2/người.
Như vậy, trong hệ thống quy hoạch chính thống của Việt Nam chưa có khái niệm KGCC; đặc biệt không có sự khẳng định và trình bày rõ rệt về nguyên lý quy hoạch cho loại KGCC chính thống với tư cách là một hạ tầng chính trị, mặc dù trên thực tế các quảng trường chính trị vẫn được quy hoạch và tạo dựng khá hoành tráng.
Còn KGCC với tư cách là hạ tầng xã hội thì có được nhắc đến và có một số yêu cầu quy định sơ sài dưới hình thức của hệ thống không gian dành cho cây xanh. Có lẽ vì vậy mà các không gian này thường được trồng cỏ xanh ở mọi chỗ mọi nơi mà may mắn nó được vẽ ra. Việc thể hiện các KGCC này trên bản quy hoạch là các không gian xanh, và sau đó được triển khai thực hiện đúng như vậy, thành các bồn cỏ, vườn hoa, cây xanh, ở một góc độ nào đó là việc xử lý máy móc, phiến diện, và giảm đi rất nhiều hiệu quả sử dụng của không gian, vì nó không có mấy chức năng phục vụ sinh hoạt xã hội của người dân, ngoài mục đích tạo cảnh quan và làm mềm hiệu ứng thị giác.
Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, các loại KGCC đã xuất hiện ở Việt Nam do những lý do chính trị xã hội và kinh tế, một cách vô thức hay hữu thức cho dù một cuộc nhận diện bài bản về mặt lý luận về khái niệm này chưa bao giờ được đưa ra một cách chính thức. So với phương Tây, việc sử dụng KGCC như một “công cụ” tương tác giữa nhà nước và xã hội, hay quan niệm đầy đủ về nó như một loại cơ sở hạ tầng xã hội, một ‘hàng hóa công’ cũng chưa thực sự rõ ràng.
Không gian công cộng trong khu ĐTM, Hà Nội
KGCC là một “sân khấu” của đời sống xã hội – tiếp cận từ góc độ xã hội
Khác với cách tiếp cận về KGCC từ góc độ thể chế, KGCC tiếp cận từ góc độ xã hội được xem là các không gian cho phép thoả mãn nhu cầu tương tác, chia sẻ, gặp gỡ, giải trí, tìm kiếm sự thư giãn thoải mái của các cá thể trong xã hội trong sự hoà mình vào xã hội. Sự tụ tập ở đây là do các cá thể tự nguyện đến và gặp nhau. Các KGCC này có thể nhận bất cứ hình thức gì, nó có thể là một công viên, một quán trà hoặc café dân dã hay thậm chí là một vỉa hè, một khoảng trống giữa các công trình và không liên quan đến hình thức sở hữu cũng như hình hài của không gian đó. Ở đây, vấn đề không phải là ‘quyền’ mà là ‘sự thỏa mãn’ nhu cầu của người sử dụng. Với loại KGCC này, yếu tố ‘xã hội’ trở thành cốt tủy của không gian: là môi trường cho các sinh hoạt, tương tác của đời sống xã hội được diễn ra. Những KGCC có tính chất này có thể gọi là các không gian dân sự, hay không gian xã hội, hay các KGCC phi chính quy để phân biệt với các KGCC chính quy theo nghĩa ‘cơ sở hạ tầng’như trong cách tiếp cận thể chế ở trên. Việc phát triển các KGCC không gian công cộng loại này không bắt buộc theo pháp luật, nhưng rất đáng khuyến khích vì nó làm tăng sức sống, độ hấp dẫn của đô thị.
‘Đời sống xã hội’ là phần quan trọng nhất của KGCC loại này, cho nên việc quy hoạch và thiết kế những KGCC này không đơn giản là đảm bảo chỉ tiêu diện tích và tạo hình 3D cho không gian mà phải tạo ra một môi trường cho đời sống xã hội thực sự diễn ra.
KGCC có tiềm năng đặc biệt trong việc thỏa mãn nhu cầu giao lưu chia sẻ của con người trong xã hội, nhu cầu thuộc về. Nếu trẻ em có thể chơi đùa với nhau, nếu người lớn cho chỗ ngồi quan sát trẻ em chơi và trò chuyện, nếu thanh niên có chỗ đá bóng và đá cầu, người già có chỗ chơi cờ, đi dạo, ngồi thư giãn ngắm cảnh, nếu chị em phụ nữ có không gian tập thể dục nhịp điệu, các nhóm trung niên có thể tập thái cực quyền hay khiêu vũ trong KGCC ở các khu dân cư thì chắc chắn mối quan hệ cộng đồng ở khu dân cư sẽ rất gắn bó, khăng khít, và bản thân họ sẽ rất gắn bó với KGCC đó. Cảm giác thuộc về cộng đồng ấy, nơi chốn ấy sẽ dần được hình thành.
Ở phương Tây khi thiết kế các KGCC người ta luôn tạo cơ hội cho người sử dụng chủ động bộc lộ mình: những không gian thách thức cho những người ưa mạo hiểm, những không gian tương tác với nước cho trẻ em, nhưng bề mặt được phép grafiti cho những người yêu hội họa đại chúng, các không gian cho phép các nghệ sĩ đường phố biểu diễn và cho phép mọi người thưởng thức … tất cả là nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng “bộc lộ” mình, thỏa mãn nhu cầu cao nhất là được “thể hiện” bản thân (tầng nhu cầu thứ 5) và nhận được sự tán thưởng, ngưỡng vọng từ người khác (tầng nhu cầu thứ 4). Trong cách thiết kế KGCC ở phương Tây, việc tạo cơ hội và lôi kéo người sử dụng hoạt động (tham gia chủ động) và cơ hội quan sát, theo dõi (tham gia thụ động) được đặc biệt chú trọng. Do vậy, các giải pháp thiết kế thường là phức hợp, đa năng, linh hoạt: các bậc cấp vừa có thể là chỗ ngồi vừa có thể là lối đi lên xuống. Các không gian không bao giờ chỉ là đơn năng mà luôn được tính đến yếu tố đa năng.
Những khoảng trống giữa lý luận và thực tiễn
Có rất nhiều bài học có thể được rút để thu gọn những khoảng trống lớn giữa công tác lý luận về KGCC trên thế giới và ở Việt Nam, giữa công tác lý luận và công tác thực hành quy hoạch – thiết kế không gian, giữa sản phẩm không gian thực thể và sinh hoạt xã hội trong không gian.
Do có nhiều cách tiếp cận khái niệm KGCC, và khái niệm này liên tục được định nghĩa và tái định nghĩa dưới nhiều góc độ. Mỗi xã hội có cách nhìn nhận, tái sinh và sử dụng KGCC theo những cách rất khác nhau, nên việc tổ chức, thiết kế, tạo dựng KGCC vì vậy không đơn giản và không thể theo khuôn mẫu. Ở Việt Nam, thứ nhất, cần có những nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn về KGCC từ các cách tiếp cận khác nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa để cung cấp các cơ sở lý thuyết cho công tác quy hoạch và thiết kế thực tiễn.
Ở cấp độ tổng thể:
Trong hệ thống quy hoạch đô thị chính quy, cần xác định và củng cố vai trò của hệ thống KGCC chính quy như một loại cơ sở hạ tầng chính trị – xã hội thiết yếu, có chỉ tiêu và nguyên lý thiết kế phù hợp, và các các loại và KGCC phi chính quy nhằm đảm bảo yếu tố đầu tiên là “lượng” đối với KGCC. Cần lưu ý: Không gian cây xanh là KGCC nhưng KGCC không chỉ là không gian cây xanh, vườn hoa, mặt nước. Vì vậy cần thoát ly khỏi nếp tư duy hẹp trong quy hoạch và thiết kế KGCC ở nước ta: cứ KGCC là tô màu xanh và khi xây nên thì thành các ô trồng cỏ không mấy tác dụng.
Chúng ta có thể biến KGCC và hệ thống KGCC trở thành một bộ phận không thể thiếu, tạo thành bản sắc của đô thị. Khi đó, chúng sẽ được bảo tồn cho tất cả mọi người bởi tất cả mọi người. Hướng đi này mở ra xu hướng nghiên cứu rất rộng, đa ngành và linh hoạt về không gian công cộng. Điều quan trọng nhất là phải nắm được cái thần, cái tổng thể của cả đô thị chứ không bị chia xẻ vụn vặt ra thành những không gian rời rạc.
Ở cấp độ cụ thể
Để cải thiện “chất lượng” KGCC và xóa bỏ những bất hợp lý trong các KGCC, để KGCC phục vụ tốt nhất cho xã hội, cần có một sự thay đổi tư duy thiết kế, lấy việc nghiên cứu phân tích khảo sát nhu cầu đa dạng của các nhóm người sử dụng không gian và các sinh hoạt của họ trong không gian làm cơ sở thiết kế. Việc thiết kế cũng cần thỏa mãn các nhu cầu cơ bản và các nhu cầu bậc cao của con người.
KGCC không chỉ là những không gian vật chất cố định với các chức năng cụ thể được thiết kế có chủ đích, mà còn là không gian do người sử dụng tạo ra (Koh 2007). Trên thế giới cũng đang có một cuộc cách mạng trong tư duy và cách tiếp cận vấn đề để khai thác tính xã hội, sinh động, linh hoạt, bền vững…trong không gian đô thị. Cho nên chúng ta cần thay đổi tư duy từ thiết kế không gian sang tạo dựng nơi chốn (place-making). Khi đó, nguồn lực cho KGCC không chỉ trông chờ ở nhà nước mà có thể huy động ý tưởng, tài chính, vật tư và công sức của cộng đồng cùng với trách nhiệm và sự gắn bó của họ với không gian nữa, đó chính là cơ sở để hình thành nên các “nơi chốn”./.
PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan
Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam